ĐẤT NƯỚC – NGUYỄN KHOA ĐIỀM là một văn bản “khó nhằn” trong chương trình Ngữ văn 12. Nhưng có một nghịch lý trong cảm nhận văn chương là tác phẩm “khó nhằn” thường khơi gợi hứng thú của những ngòi bút say mê nghệ thuật ngôn từ. Dưới đây là bài cảm nhận do HS Châu Thành viết trên cơ sở tiếp thu, sáng tạo những thành quả của người đi trước.

Đoạn thơ “Trong anh và em hôm nay…. Làm nên Đất Nước muôn đời…”

Nhắc đến thơ ca kháng chiến chống Mỹ ta không thể không nhắc đến bài thơ Đất nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm. Nó không chỉ thổi vào nền văn học nước nhà một làn gió mới mẻ về những quan niệm, nguồn gốc con người mà còn gửi gắm, nhắc nhở trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đó là đoạn thơ thứ tư trong bài thơ Đất Nước:

      “Trong anh và em hôm hôm nay

       Đều có một phần Đất Nước

       Khi hai đứa cầm tay 

       Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm 

       Khi chúng ta cầm tay mọi người

       Đất Nước vẹn tròn to lớn

       Mai này con ta lớn lên

       Con sẽ mang đất nước đi xa

       Đến những tháng ngày mơ mộng

       Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

     Phải biết gắn bó và san sẻ

     Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

     Làm nên Đất Nước muôn đời…”

Ở đoạn thơ trên, tác giả tiếp cận ý thức con người trong hiện thực đời sống ,trong mối quan hệ cá nhân – cộng đồng. Nguyễn Khoa Điềm đã dẫn dắt độc giả Trở về với hiện thực trực tiếp của cuộc kháng chiến chống Mỹ,nói lên tiếng nói đầy trách nhiệm của cả một thế hệ chống Mỹ thực sự trưởng thành trong nhận thức và tình cảm.

Ở 6 câu thơ đầu, nhà thơ diễn giải về mối quan hệ giữa con người và đất nước. Đó là sự gắn bó hữu cơ không thể tách rời. Hai câu đầu tiên:

“ Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước”

“Trong anh và em” tác giả sử dụng “anh và em “ chứ không phải “ tôi và cô” hay bất kỳ ngôi nào khác bởi vì lối xưng hô anh và em tạo nên sự trìu mến, gần gũi. Nó như lời tâm sự trong tình yêu đôi lứa, cũng như lời tâm sự của người anh và người em. Đây là lối xưng hô phù hợp nhất với nội dung mà tác giả muốn gửi gắm: lời nhắn nhủ và trách nhiệm với thế hệ trẻ. “Trong anh và em”  nghĩa là trong cả anh và cả em , trong mỗi đứa đều có một phần đất nước . Từ nhỏ ta nghe trong lời mẹ ru, nghe những câu chuyện bà kể , chúng ta nghe cô giáo dạy tiếng Việt,…và tình yêu với tiếng Việt, với những câu chuyện trong lời ru , lời kể của bà đã dậy lên trong tâm hồn chúng ta cái điệu tâm hồn của dân tộc. “Đất nước “ – đây cũng là nơi ta lớn lên, sinh hoạt và học tập, ít nhiều gì ta cũng được thừa hưởng những giá trị vật chất và tinh thần. Một miếng ăn thôn dã cũng là máu thịt: 

“ Anh đi anh nhớ quê nhà 

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương “

Cho nên nhà thơ khẳng định trong anh và em đều có một phần đất nước. Một phần ấy là một phần thể xác, một phần máu thịt , một phần tâm hồn. Tất cả đều mang hơi thở của đất nước. Vậy nên trong ta luôn có một phần đất nước là như thế .Đây là cách nói cho thấy niềm tự hào của tuổi trẻ về đất nước.

Chính vì vậy mà:

“Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm”

Đất nước càng đẹp hơn trong tình yêu tổ quốc của con người , trong tình cảm gắn kết của người với người ,càng rộng lớn hơn, vững mạnh hơn trong cái cầm tay ấy. Cái cầm tay chứa biết bao nhiêu là tình cảm. Đây cũng là biểu tượng của sự đoàn kết, của hòa bình. Vì lẽ đó mà đất nước trong chúng ta ngày càng hài hòa và nồng thắm.  Nói cách khác, tình yêu của anh và em đã hòa vào tình yêu tổ quốc : 

“Anh yêu em như anh yêu đất nước

Vất vả gian lao tươi thắm vô ngần” 

Từ tình yêu lứa đôi, nhà thơ hướng vào tình yêu cộng đồng ,về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể:

“Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người 

Đất Nước vẹn tròn, to lớn”

Từ “hai đứa cầm tay” đến “chúng ta cầm tay mọi người” là một sự vươn xa, lớn dậy của cái tôi cá nhân. Nếu như tình yêu chỉ hướng về cá nhân không thôi thì thật là vị kỉ. Họ đã mở rộng tình yêu đến với mọi người, họ vượt qua cái tôi nhỏ bé trong thế giới của anh và em để đến với cá ta chung của cộng đồng. Tình yêu chỉ đẹp khi tình yêu ấy hòa lẫn vào cộng đồng. Nhất là vào những tháng năm Bắc ,Nam đang bị chia cắt thì cái cầm tay ấy ý nghĩa biết bao nhiêu. Từ “ vẹn tròn” nghĩa là tròn đầy ,đầy đủ, không thiếu cũng không thừa. Điệp từ “cầm tay”, “ vẹn tròn”, “ to lớn” nó thể hiện khao khát của nhà thơ trong những ngày kháng chiến chống Mỹ. Nhà thơ mong muốn đất nước được độc lập,tự do, thống nhất vẹn toàn nước nhà. Đó là ngày đất nước không còn phải đau nỗi đau chiến tranh, nỗi đau chia cắt. Chính trong hoàn cảnh ấy , cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để viết lên “ Nối Vòng Tay Lớn” mong muốn Bắc Trung Nam thống nhất một nhà.

Ba câu thơ tiếp theo, nhà thơ hướng về tương lai phía trước với ước mơ giản dị :

“Mai này con ta lớn lên 

Con sẽ mang đất nước đi xa  

Đến những tháng ngày mơ mộng “

Từ hiện tại cuộc chiến đấu ác liệt ,khi mà bom “ napal dội lửa mái nhà”, khi mà trăm ngàn người phải sống dưới địa đạo ,trong mưa bom bão đạn ,nhưng họ vẫn yêu nhau, vẫn ước mơ và vẫn trông chờ phía trước với niềm tin Quyết Thắng.  Nguyễn Khoa Điềm mơ về tương lai “mai này “ khi con ta lớn lên và nhắc nhở đứa con này hãy kế tục truyền thống mà làm rạng danh đất nước, quê hương. “Con sẽ”, “ đi xa” và “mang” đều là những từ ngữ gợi về hình ảnh của tương lai, gợi lên cái khao khát của Nguyễn Khoa Điềm. Đó là mong rằng ngày mà Đất Nước độc lập, thế hệ trẻ chúng ta vẫn đã, đang và sẽ bảo vệ, đưa đất nước phát triển và đi lên tốt đẹp hơn. Nhà thơ trong khoảnh khắc hiện tại nghĩ về tương lai, với niềm tin về “ tháng ngày mơ mộng “.

Tháng ngày đó k chỉ là giấc mơ, khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm nói riêng mà còn là của toàn thể dân tộc ta nói chung. Đó là ngày mà nhân dân ta k còn bị “tắm máu” trong các cuộc khởi nghĩa, không còn chịu xiềng xích nô lệ, k còn bị chia cắt, không còn những người mẹ ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ. Cũng k còn những người mẹ mà cả  cuộc đời che đi Bộ Đội, hoà về cho mẹ là mái tóc pha sương, là những vết thương trên ngực cha cứ trở gió là đau nhức nhối .

Tháng ngày mơ mộng ấy là ngày mà trẻ con được đến trường con người được tự do yêu nhau tự do sinh con đẻ cái từ mơ mộng thể hiện rõ giấc mơ rất đẹp của tuổi 20 tuổi trẻ trong kháng chiến chống Mỹ họ phải cắt hết những tình cảm ấy những ước mơ ấy vào balô mà cầm chắc tay súng để mà sẽ dọc Trường Sơn đi cứu nước Mà lòng phơi phới dậy tương lai chứng tỏ mưa bom bão đạn có thể vùi lấp được “ngôi nhà, ngọn núi ,con sông” nhưng không thể dập tắt được khát vọng và niềm tin của con người Việt Nam 

không dừng lại ở đó, nhà thơ tiếp tục đi sâu vào mối quan hệ giữa đất nước và tâm hồn của từng con người. Với những vần thơ như nhắn nhủ tâm tình với bao thế hệ trẻ:

“ Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở 

Làm nên đất nước muôn đời…”

Mở đầu đoạn thơ là “trong anh và em”, gần kết thúc đoạn thơ lại là tiếng gọi “em ơi em” Sở dĩ tác giả dùng anh và em, “em ơi” là vì chúng đều là những ngôi quen thuộc, tạo cảm giác thân thương, trìu mến.  Tiếng gọi ấy thiết tha như tiếng gọi trong tình yêu đôi lứa, trong tình cảm, dễ đi vào cảm xúc dễ đi vào lòng người. “ Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình”. Nếu ban đầu chỉ là “một phần” thì bây giờ tình cảm ấy đã dâng cao lên cuồn cuộn, niềm tự hào ấy thấm vào máu thịt của mỗi người. Đó là “máu xương của mình”.  Chúng ta có được hòa bình tự do như ngày hôm nay là nhờ sự hi sinh của bao nhiêu người chiến sĩ sĩ. Để làm nên Đất Nước, đã có biết bao người ngã xuống nhuộm đỏ cả dải đất Việt Nam Nam, biết bao máu đã đổ, biết bao xương đã vùi để có được ngày độc lập. Vì vậy mà nó không còn là “ một phần” , nó trở thành cốt lõi tâm hồn của mỗi con người. Từ đó phải biết gắn bó và san sẻ , hóa thân cho dáng hình xứ sở , Làm nên đất nước muôn đời.

Đó là trách nhiệm gắn bó yêu thương, là quan hệ mật thiết với nhau. Từ đó mới có thể san sẻ niềm vui, trách nhiệm ,hạnh phúc. Đât nước vĩ đại nhưng đất nước là một thực thể sống .Thực thể ấy không phải là sự tập hợp của những cá thể rời rạc mà là một cộng đồng. Hóa thân cũng có nghĩa là dâng hiến. Với quan niệm xưa, hóa thân là hóa mình thành những hình sông thế núi như Hòn Vọng Phu, Hòn Trống Mái, núi Bà Đen,… Nhưng trong thời hiện đại, hóa thân nghĩa là cống hiến , là hi sinh vì sự nghiệp của dân tộc để làm nên “ Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Sự suy ngẫm ấy theo suy nghĩ của nhà thơ là sự hóa thân :

“Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng 

Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương

Nếu là mây, tôi sẽ làm một vầng mây ấm

Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương” 

(Tự nguyện)

Đó chính là những trách nhiệm mà thế hệ trẻ chúng ta hôm nay và mai sau phải thực hiện được. Lời tâm sự thủ thỉ chân thành khiến sức lan tỏa của ý thơ thêm biểu cảm và tác động sâu sắc đến độc giả giả. Đó cũng đồng thời là thái độ sống tích cực đầy trách nhiệm của thế hệ trẻ

Hồ Minh Thư 12 (2018-2019)

Phân tích từ câu 30 đến 42 bài đất nước

… Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất Nước vẹn tròn, to lớn

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang Đất Nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hoà thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời…”

“Mặt đường khát vọng” là trường ca độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm, ra đời trong chiến tranh ác liệt thời chống Mĩ, tại chiến trường Trị – Thiên – một điểm nóng – trên chiến trường miền Nam vào năm 1971. Bài thơ đã truyền đến người đọc bao xúc động, tự hào về đất nước và nhân dân. Trong bài “Có một thời đại mới trong thi ca”, Trần Mạnh Hảo viết:

“Vào đêm giao thừa  Tết âm lịch 1973 – 1974, dưới rừng Phước Long, chúng tôi xúc động nghe trích đoạn “Đất Nước” trích trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm phát trên Đài phát thanh. Những suy nghĩ về đất nước, về dân tộc đã được nhà thơ hiện đại hoá bằng chất suy tư lắng đọng và cảm xúc mãnh liệt”.

“Đất Nước” – là chương V trong trường ca “Mặt đường khát vọng” dài 110 câu thơ (trong “Văn 12” chỉ trích 89 câu). Phần đầu (42 câu) là cảm nhận của nhà thơ trẻ về Đất Nước trong cội nguồn sâu xa văn hóa – lịch sử, và trong sự gắn bó thân thiết với đời sống hằng ngày của mỗi con người Việt Nam. Phần thứ hai, cảm hứng chủ đạo về Đất Nước là sự ngợi ca, khẳng định tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân. Từ đó, nhà thơ nhận diện phát hiện Đất Nước trên bình diện về địa lý, lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ, truyền thống tinh thần dân tộc – nền văn hiến Việt Nam. Vẻ đẹp độc đáo của chương V “Đất Nước” là tác giả vận dụng sáng tạo nhiều yếu tố văn hoá dân gian, tục ngữ, ca dao, dân ca, truyện cổ, phong tục…, cùng với cách diễn đạt bình dị, hiện đại gây ấn tượng vừa gần gũi vừa mới mẻ cho người đọc.

Mười ba câu thơ dưới đây trích trong phần đầu chương “Đất nước” thể hiện cảm nhận: Đất Nước gắn bó thân thiết với mỗi con người Việt nam:

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

(…)

Làm nên Đất Nước muôn đời…”.

Trong chương V trường ca “Mặt đường khát vọng”, hai từ Đất Nước và Nhân Dân đều được viết hoa, trở thành “mĩ tự” gợi lên không khí cao cả, thiêng liêng và biểu lộ cao độ cảm xúc yêu mến, tự hào về Đất Nước và Nhân Dân. Chủ thể trữ tình là “anh và em”, giọng điệu tâm tình thổ lộ, sâu lắng, thiết tha, ngọt ngào. Cấu trúc đoạn thơ 13 câu thơ là cấu trúc tổng – phân – hợp mà ta cảm nhận được tính chất chính luận của ngòi bút thơ Nguyễn Khoa Điềm.

  1. Hai câu thơ mở đoạn là sự thức nhận chân lý về cội nguồn, về truyền thống, về lịch sử,… Đất Nước gần gũi và gắn bó thân thiết với “anh và em”, với mọi người:

“Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước”.

Chỉ “một phần” nhỏ bé thôi, nhưng xiết bao gần gũi, gắn bó, yêu thương và tự hào. Từ khái niệm, ý niệm “mỗi công dân là một phần tử của cộng đồng, của Đất Nước” được diễn đạt một cách “mềm hóa” qua tiếng nói tâm tình của lứa đôi, của “anh và em”.

  1. Bảy câu thơ tiếp theo mở rộng ý thơ trên từ “hai đứa” đến “mọi người”, từ “hôm nay” đến “ngày mai” và muôn đời mai sau.

“Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm”.

Ở phần trước, nhà thơ cảm nhận: “Đất Nước là nơi anh đến trường – Nước là nơi em tắm – Đất Nước là nơi ta hò hẹn – Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Và “khi hai đứa cầm tay” thì một mái ấm, tổ ấm gia đình đã được xây dựng. Gia đình là “một phần” của Đất Nước. Chỉ có tình yêu và hạnh phúc gia đình mới tạo nên sự “hài hòa, nồng thắm” với tình yêu quê hương Đất Nước. Đó là bản chất thống nhất trong tình cảm của thời đại mới. Ý tưởng ấy đã được Nguyễn Đình Thi thể hiện trong một tứ thơ sâu và đằm về nỗi “nhớ”:

“Anh yêu em như anh yêu đất nước

Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần…”.

Từ tình yêu và hạnh phúc lứa đôi mà biết yêu gia đình, yêu quê hương, yêu đất nước, mới có thể có tình nghĩa sâu nặng “Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm”, mới tìm thấy đất nước quê hương cả trong niềm vui và nỗi đau của anh, của em, của bao lứa đôi khác:

“Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm

Có những lần trốn học bị đòn roi.

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi”.

(Giang Nam)

Nói về cội nguồn của giòng giống, của dân tộc, Nguyễn Khoa Điềm nhắc lại sự tích “Trăm trứng”: “Đất là nơi Chim về – Nước là nơi Rồng ở – Lạc Long Quân và Âu Cơ – Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng – Những ai đã khuất – Những ai bây giờ…”. Từ huyền thoại thiêng liêng ấy mới có ý thơ này:

“Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất Nước vẹn tròn, to lớn”

Hai chữ “cầm tay” trong câu thơ “Khi hai đứa cầm tay” có nghĩa là giao duyên, là yêu thương. “Khi hai chúng ta cầm tay mọi người” là đoàn kết, là yêu thương đồng bào,… Mọi người có cầm tay nhau, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau mới có hình ảnh “Đất Nước vẹn tròn, to lớn”, mới có đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh Việt Nam. Từ “hài hòa, nồng thắm” đến “vẹn tròn, to lớn” là cả một bước phát triển và đi lên của lịch sử dân tộc và đất nước. Đất Nước được cảm nhận là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Chỉ khi nào “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, và chỉ khi nào “lá lành đùm lá rách”, “Người trong một nước phải thương nhau cùng” thì mới có hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng “Đất Nước vẹn tròn, to lớn”.

Bốn câu thơ trên đây cấu tạo theo phép đối xứng về ngôn từ: “Khi hai đứa cầm tay”… “Khi chúng ta cầm tay mọi người”, “Đất Nước hài hoà nồng thắm…”. “Đất Nước vẹn tròn, to lớn”. Cách diễn đạt uyển chuyển, sinh động ấy có ý nghĩa thẩm mĩ sâu sắc: hình thức này thể hiện nội dung ấy, nội dung ấy được diễn đạt bằng hình thức này. Phép đối xứng làm cho thơ liền mạch, hài hòa, gắn bó, thể hiện rõ ý thơ: tình yêu lứa đôi, tổ ấm hạnh phúc, gia đình, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc là những tình cảm đẹp, làm nên truyền thống “yêu nước, yêu nhà, yêu người” và đó là sức mạnh Việt Nam.

Đất nước “Nguồn thiêng ông cha”, đất nước “Trong anh và em hôm nay”, đất nước trong mai sau. Như một nhắn nhủ, như một kỳ vọng sáng ngời niềm tin:

“Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang Đất Nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng”.

Nguyễn Thi, Anh Đức, Lê Anh Xuân, Sơn Nam… đã tạo nên giọng điệu Nam Bộ hấp dẫn trong thơ ca và truyện của mình. Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Hải,… cũng có một giọng điệu riêng “rất Huế”, dễ thương dịu ngọt. Hai tiếng “mai này” là cách nói của bà con xứ Huế.

Thế hệ con cháu mai sau sẽ tiếp bước cha ông “Gánh vác phần người đi trước để lại” xây dựng đất nước ta “Vạn cổ thử giang sơn” (Trần Quang Khải), “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” (Hồ Chí Minh). Hai chữ “lớn lên” biểu lộ một niềm tin về trí tuệ và bản lĩnh nhân dân trên hành trình lịch sử đi tới ngày mai tươi sáng. “Mơ mộng” nghĩa là rất đẹp, ngoài trí tưởng tượng về một Việt Nam cường thịnh, một cường quốc văn minh. Điều mà “anh và em”, mỗi người chúng ta mơ mộng hôm nay, sẽ biến thành hiện thực “mai này” gần.

Bốn câu thơ cuối đoạn cảm xúc dâng lên thành cao trào. Giọng thơ trở nên ngọt ngào, say đắm khi nhà thơ nói lên những suy nghĩ sâu sắc, đẹp đẽ của mình:

“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời…”

“Em ơi em” – một tiếng gọi yêu thương, giãi bày và san sẻ bao niềm vui sướng đang dâng lên trong lòng khi nhà thơ cảm nhận và định nghĩa về Đất Nước: “Đất Nước là máu xương của mình”. Đất nước là huyết hệ, là thân thể ruột thịt thân yêu của mình, và mồ hôi xương máu của tổ tiên, ông cha của dân tộc ngàn đời. Vì “Đất Nước là máu xương của mình” nên Trần Vàng Sao đã viết:

“Nuôi lớn người từ ngày mở đất,

Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật

Một tấc lòng cũng đẫy hồn Thánh Gióng”.

(“Bài thơ của một người yêu nước mình” 19/12/1967)

Với Nguyễn Khoa Điềm thì “gắn bó”, “san sẻ”, “hóa thân” là những biểu hiện của tình yêu nước, là ý thức, là nghĩa vụ cao cả và thiêng liêng. “Phải biết gắn bó và san sẻ… phải biết hóa thân…” thì mới có thể “Làm nên Đất Nước muôn đời”. Điệp ngữ “phải biết” như một mệnh lệnh phát ra từ con tim, làm cho giọng thơ mạnh mẽ, chấn động. Có biết trường ca “Mặt đường khát vọng” ra đời tại một nơi nóng bỏng, ác liệt nhất của thời chiến tranh chống Mỹ thì mới cảm nhận được các từ ngữ: “gắn bó”, “san sẻ”, “hóa thân” là tiếng nói tâm huyết “mang sức mạnh ý chí và khát vọng vượt ra ngoài giới hạn thông tin của ngôn từ” như một nhà ngôn ngữ học lừng danh đã nói.

Trong thơ ca Việt Nam thời kháng chiến, đề tài quê hương đất nước được tô đậm bằng nhiều bài thơ kiệt tác, những đoạn thơ hay, những câu thơ tuyệt cú. Cảm hứng về đất nước được diễn tả bằng nhiều tứ thơ độc đáo, mang phong cách sáng tạo riêng của mỗi nhà thơ. Chất trữ tình thấm đẫm dư ba. Đất nước trong máu lửa mới mang cảm xúc sâu nặng thế. Đây là tiếng nói ở hai đầu đất nước:

“Tôi yêu đất nước này chân thật

Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi

Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi

Và yêu tôi đã biết làm người

Cứ trông đất nước mình thống nhất”

(Trần Vàng Sao)

“Ôi! Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt

Như mẹ cha ta như vợ như chồng

Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”.

(Chế Lan Viên)

Trở lại đoạn thơ trên đây của Nguyễn Khoa Điềm. Tứ thơ rất đẹp. Đất nước thân thương gắn bó với mọi người. Phải biết hiến dâng cho “Đất nước muôn đời”. Đoạn thơ đẹp còn vì sáng ngời niềm tin về tương lai Đất nước và tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Đoạn thơ mang tính chính luận, chất trữ tình hàm ẩn tính công dân của thời đại mới. Giọng thơ tâm tình, dịu ngọt, tứ thơ dạt dào cảm xúc, sáng tạo về ngôn từ, hình ảnh, thể hiện một hồn thơ giàu chất suy tư, khẳng định một thi pháp độc đáo, có nhiều mới mẻ tìm tòi.

“Em ơi em, Đất Nước là máu xương của mình…” – một tứ thơ rất đẹp! Một tứ thơ lung linh mang vẻ đẹp trí tuệ! Lúc hòa bình phải biết đem “trí lực” để xây dựng Đất Nước, “làm nên Đất Nước muôn đời”, Đất nước “to đẹp hơn đàng hoàng hơn”. Lúc có chiến tranh phải đem xương máu để bảo toàn Sông núi. “Gắn bó, san sẻ, hóa thân” cho Đất Nước, ấy là nghĩa vụ cao cả thiêng liêng, ấy là tình yêu Đất Nước của “anh và em” hôm nay, của thế hệ Việt Nam “Mai này con ta lớn lên”…