Đề bài: Em hãy suy nghĩ về bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy
Bài làm
Nguyễn Duy là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, những tác phẩm của ông gần gũi với người đọc bởi sự nhẹ nhàng, gần gũi mà chân thành. Và bài thơ “Ánh trăng” cũng vậy – bài thơ khiến cho tâm hồn con người ta phải trăn trở rất nhiều và có cách nhìn nhận chân thực, sâu sắc hơn với cuộc sống.
Không biết tự bao giờ trăng đã trở thành nàng thơ, thành người bạn tri âm tri kỉ của biết bao tâm hồn thi sĩ. Ánh trăng trong thơ Nguyễn Duy cũng vậy, cũng là cảm hứng để ông trút bầy tâm sự, biểu lộ nỗi lòng của mình. “Ánh trăng” của Nguyễn Duy có tâm trạng riêng, suy ngẫm riêng, nó như một lời tự sự chân thành.
Bài thơ mang dáng dấp một câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian. Cảm nghĩ về những hồi ức của tác giả men theo dòng tự sự này để bộc lộ:
“Hồi nhỏ sống với đồng
Với sông rồi với bể
Hồi chiến tranh ở rừng
Vầng trăng thành tri kỉ”
Trước hết là hình ảnh vầng trăng thiên nhiên gắn bó với tuổi thơ, Nguyễn Duy nhớ về tuổi thơ êm đềm hạnh phúc nơi ruộng đồng, nhớ về những năm tháng chiến tranh gian khổ nơi núi rừng, những thăng trầm, những niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống, sự trưởng thành lớn lên của một con người trải qua bao thăng trầm của cuộc đời phiêu bạc sương gió vì đất nước, nhưng ông không cảm thấy sầu não, mà cảm xúc trong ông hiện hữu là sự cảm động vì ở mọi nơi, mọi lúc đều có sự chia sẻ của Trăng – người bạn tri kỉ. Bằng cách gieo vần lưng và điệp từ “với” được nhắc đi nhắc lại gợi ra trước mắt người đọc một tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm thân thương. Trăng là hình ảnh của thiên nhiên hồn nhiên tươi mát, là trò chơi tuổi thơ, là ước mơ trong sáng, là ánh sáng, là niềm vui bầu bạn của người lính
Con người khi xưa ấy sống giản dị và hoà hợp với thiên nhiên trong lành và ngỡ rằng sẽ không bao giờ quên được cái vầng trăng tình nghĩa. Vậy mà, hoàn cảnh sống thay đổi, hết chiến tranh, con người trở về thành phố, quen với cửa gương và ánh điện của cuộc sống hiện đại lúc nào cũng rực rỡ tươi sáng, vầng trăng tri kỉ, vầng trăng tình nghĩa của ngày xưa đã mau chóng trở thành quá khứ, dễ bị cho vào vùng lãng quên. Con người trước dòng đời đua chen xô đẩy, cái hào nhoáng trước mắt ánh điện cứa gương đã khiến họ quên đi những hạnh phúc bình dị thuở nào, quên đi những kỉ niệm một thời vất vả khó khăn và cũng vô tình lãng quên đi một người bạn tri kỉ ân tình:
“Từ hồi về thành phố
Quen ánh điện cửa gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường”.
Vòng xoáy của cuộc sống và dòng đời đã khiến con người cứ luôn tất bật, hối hả. Nhưng cuộc đời mà, có rất nhiều chuyện không thể cứ quên mà chìm vào hồi ức vĩnh viễn được.
“Thình lình đèn điện tắt
Phòng buyn đinh tối om
Vội bật tung cửa sổ
Đột ngột vầng trăng tròn
Người lính đã quên những tình cảm chân thành, những tháng năm gian khổ nhưng chan chứa ân tình thuở trước. Mặc dù vậy trăng vẫn không quên, vẫn đến với bạn xưa bằng tình cảm tràn đầy không hề thay đổi. Việc mất điện như một tình huống không ngờ đến, điện mất, phòng tối om, con người cần ánh sáng mà mở tung cửa sổ, và khi đó lại nhìn thấy hình ảnh vầng trăng vẫn hiện diện trên bầu trời và toả sáng khắp căn phòng. Chính vầng trăng xuất hiện bất ngờ trong bối cảnh ấy đã thổi bùng nỗi nhớ về một thời quá khứ chưa xa.Trong cuộc gặp mặt không lời, người lính xưa xúc động, cảm xúc nghẹn ngào muốn trào nước mắt. Sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng làm ùa dậy trong tâm trí nhà thơ bao kỷ niệm xưa: những kỷ niệm thiếu thời, những tháng năm chinh chiến giữa thiên nhiên, đất nước bình dị, gần gũi. Tất cả hiện hình trong nỗi nhớ, trong cảm xúc thiết tha và cả trong tư thế lặng im thành kính của tác giả… Vào lúc đó ông đã nhận ra, trăng vẫn tròn đầy, tình nghĩa và vị tha,
Hình ảnh“ vầng trăng tròn vành vạnh” không chỉ thể hiện vẻ đẹp bình dị và vĩnh hằng của cuộc sống mà còn có ý nghĩa biểu tượng cho nghiã tình quá khứ đẹp đẽ, vẹn nguyên, chẳng thể phai mờ. Trăng xuất hiện không một lời oán hờn trách cứ, nhưng đôi khi, im lặng lại là sự trừng phạt nghiêm khắc nhất. Không gian như chững lại,lặng yên trong cuộc gặp mặt không lời của hai người tri kỉ.
Trăng ở đây đã được nhân cách hóa với những suy nghĩ, tâm tư rất con người, rất đời thường vậy mà:
“Trăng vẫn tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình”.
Con người bây giờ đối diện với ánh trăng, nhưng trăng vẫn tròn đầy vệ sự tình nghĩa, và điều đó khiến con người thấy hổ thẹn
“ Ngửa mặt lên nhìn mặt
Có cái gì rưng rưng
Như là đồng là bể
Như là sông là rừng”
Một khoảng khắc im lặng trong hiện thực nhưng trong nội tâm con người nỗi xúc động trào dâng đến đỉnh điểm. Mọi ký ức của một thời xa xăm, một thời gian khó, gắn bó thuở nào bỗng dội về trước mặt:
Giây phút ấy tác giả nhận ra trăng chính là người bạn, là nhân chứng đã chứng kiến trọn vẹn quá khứ nghĩa tình giờ lặng yên như nghiêm khắc nhắc nhở ta: con người có thể vô tình, có thể lãng quên, nhưng thiên nhiên và nghĩa tình quá khứ thì luôn luôn tròn đầy, luôn luôn bất diệt. Giọng điệu tâm tình, nhịp thơ lúc trầm lắng suy tư, lúc lại nhịp nhàng, ngân nga, tha thiết đã góp phần làm nổi bật chủ đề, tạo nên sự chân thành và sức truyền cảm sâu sắc của bài thơ.
Từ một câu chuyện riêng, tiếng thơ của Nguyễn Duy như một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở thấm thía về thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, “ân nghĩa thuỷ chung” cùng quá khứ. Với ngôn ngữ giản dị mà hàm súc, cô đọng, giọng điệu tâm tình tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm được thể hiện qua thể thơ năm chữ kết hợp hài hòa giữa tự sự và trữ tình, cùng đạo lý làm người không bao giờ cũ, bài thơ như một lời tâm sự, nhắc nhớ người ta sống tình cảm với những quá khứ đã qua, trân trọng, biết ơn những thứ mình đã có và đang có.