Văn hóa ẩm thực ĐBSCL là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý, khí hậu, môi trường… nên ẩm thực vùng này cũng có một số khác biệt. Chẳng hạn, trong bữa ăn, số lượng rau và thủy hải sản của người dân đồng bằng phong phú hơn các vùng khác, dẫn đến cung cách ăn uống cũng khác. Một trong những nguyên nhân chính tạo nên sự khác biệt này do yếu tố sông nước.
Mục Lục Bài Viết
Nét văn hóa ẩm thực Đồng Bằng Sông Cửu Long
Sông nước ưu đãi
Theo nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm, hiếm có con sông lớn mà lại hiền hòa như dòng Mê-công chảy qua ĐBSCL. Mỗi năm sông đều dâng nước, nhưng chỉ làm ngập mà ít khi gây lụt. Nước lên từ từ, xuống từ từ, nên cây lúa cũng ngoi theo lên kịp! Con nước vận hành theo quy luật, có tính chu kỳ, không những không làm hại ai mà còn đem theo tài nguyên thủy sản, phù sa… hằng năm giúp tháo chua rửa phèn cho đất. Bởi vậy, người ĐBSCL có truyền thống sống chung với nước, tận dụng nước, coi “nước nổi” là một phần cuộc sống của mình.1
Nhờ có nhiều sông rạch, kinh mương, ao hồ, rừng ngập nước, đường bờ biển dài cả trăm km nên thủy sản ở ĐBSCL có rất nhiều giống, loài. Ngoài sông Tiền, sông Hậu, vùng này còn diện tích mặt nước kinh rạch, ao hồ, đồng ruộng mênh mông cho cá tôm sinh sống, phát triển. Cá ở đây rất phong phú về chủng loại, trong đó có những loại có giá trị kinh tế cao như họ cá chép, cá tra, cá bống trăng, cá chích… Không kể một số loài cá từ biển di cư vào, khu hệ cá nước ngọt (cá sông) gồm 255 loài, thuộc 130 giống, 45 họ, trong đó có 55 loài có giá trị kinh tế cao. Các loài hải sản khác nơi đây còn có: Nhóm giáp xác (tôm, cua), thân mềm (sò huyết, vọp, nghêu).
Tài nguyên thủy sản to lớn nhất của ĐBSCL nằm ở vùng đặc quyền kinh tế biển, rộng 360.000km2. Ở đây có khoảng 600 loài thủy sản. Trong đó có 50 loài cá và 16 loài tôm có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng được ước tính khoảng 1.400.000 tấn. Biển miền này có đến 220 bãi cá, ưu thế về cả hai nguồn hải sản: cá nổi và cá đáy. Ngoài ra còn có thể câu được đồi mồi, hải sâm, bào ngư, hải yến, ngọc điệp và nhiều loài cá lớn khác.
Tạo nên văn hóa ẩm thực khác biệt
Động vật (các loại thịt) chiếm tỷ lệ vừa đủ trong cơ cấu bữa ăn của người dân ĐBSCL. Nhiều nhất là cá tôm; kế đến là các loại cũng có nguồn gốc từ vùng đồng ruộng, sông nước như ếch, chim… Bên cạnh đó, nơi đây còn có các loại bò sát như thằn lằn, rắn mối, cá sấu… mà mỗi loại khi chế biến món ăn, hương vị của nó cũng được xếp vào hạng đặc sản.
Ngoài nguồn lương thực, thực phẩm có sẵn ở môi trường tự nhiên, cư dân ĐBSCL còn chủ động làm ra nhiều loại thực phẩm bằng những phương thức rất độc đáo, phù hợp với điều kiện môi sinh tại chỗ như hoạt động kinh tế vườn, chăn nuôi gia cầm, gia súc, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Nhờ vậy, nguồn thực phẩm càng thêm dồi dào và ổn định, góp phần tạo nên sự phong phú, hình thành nên nét đặc trưng trong văn hóa ăn uống qua những bữa ăn với những món ăn ngon đặc hữu.
Từ những sản vật mà thiên nhiên ưu ái ban tặng, con người đã tận dụng để chế biến thành các món ăn khác nhau, làm phong phú thêm cho bữa ăn của mình. Chỉ một loài, người ta có thể chế biến ra được gần cả chục món khác nhau. Ví dụ với cá lóc, người ta chế biến các món: cá lóc đắp bùn, cá lóc nướng trui, cá lóc hấp, khô cá lóc, canh chua cá lóc, cá lóc kho, mắm cá lóc… Và với mỗi loại món ăn, khi chế biến với các loài sinh vật khác nhau sẽ tạo ra các món ăn khác nhau, với các hương vị khác nhau. Cũng là món canh chua, nhưng lại có: canh chua cá lóc, canh chua cá sặc, canh chua cá hú, canh chua cá linh bông điên điển… thậm chí còn có cả canh chua gà. Như vậy, cơ cấu bữa ăn của người dân đồng bằng phần lớn là thiên về thực vật và thủy hải sản. Mỗi thứ đều đa dạng về chủng loại và phong phú về số lượng.
Môi trường thiên nhiên khoáng đạt: đất đai màu mỡ, sông rạch chằng chịt, rất giàu cá tôm đã quy định một phần trong tính cách của con người nơi đây. Người ta có thói quen “ăn to nói lớn”. Ăn to là ăn miếng to, khi gắp để đũa nằm, gắp khúc lớn, chứ không rỉa từng miếng nhỏ. Bởi, rau trái quanh nhà, tôm cá đầy sông, chim cò đầy vườn muốn ăn lúc nào mà chả được, muốn ăn bao nhiêu chả có, cần chi hà tiện.
Do nguồn lợi thiên nhiên ở đây dồi dào mà con người cũng hào phóng. Khi tát đìa, người ta chỉ bắt những con cá lớn, cá bé nhường lại cho người “bắt hôi”, chứ không ai nỡ vét sạch sành sanh cả ao đìa. Và khi tát đìa xong, người ta bày cuộc nhậu, cùng chung vui sau những giờ lao động mệt nhọc. Trong buổi tiệc này, không chỉ có chủ đìa, người tát đìa, mà còn có cả những người “bắt hôi”, người trên xóm dưới qua lại, ai cũng được mời một ly, xếp một cái chén và đôi đũa cho rõ tình giao hảo.
Ăn uống, về một phương diện nào đó, không chỉ là nhu cầu của con người, mà còn là văn hóa. Và từng địa phương đều có một phong cách, một sắc thái trong ăn uống của mình. Với ĐBSCL, môi trường thiên nhiên ở đây lúc đầu gần như hoang dã, môi trường tràn ngập màu xanh của cây cỏ, mênh mông nước ngập trắng đồng, với những cánh rừng bạt ngàn, những kinh rạch chằng chịt… nên không gian ăn uống ở đây cũng gắn với môi trường thiên nhiên.
Đó là một không gian cao, rộng, thông thoáng, trên một con đê, một cánh đồng, trước hàng ba nhà, hay một khoảnh vườn. Cho nên có người rất có lý khi cho rằng: Món ăn ở đây ngon là nhờ một phần ăn cả cái không gian của nó. Nếu tách ra khỏi không gian này thì món ăn sẽ vô vị và nhạt nhẽo, vì môi trường thiên nhiên với tư cách là một thành tố của sinh hoạt cộng đồng đã bị triệt tiêu. Món cá lóc nướng trui của người dân vùng này thường được dọn giữa một bãi đất trống, với rau trái quanh nhà, dụng cụ nấu nướng đều là cây nhà lá vườn: nẹp tre, rơm để nướng cá, lá chuối để đựng cá…
Văn hóa ẩm thực nói chung, món ăn ở đồng bằng nói riêng phải đặt đúng vào vị trí không gian mới thấy được hồn quê, tình người cùng chiều sâu văn hóa ẩn chứa trong nó. Môi trường của trời nước mênh mông cộng với ngọn gió đồng phóng khoáng vùng châu thổ đã hòa nhập toàn vẹn với không khí thắm tình làng nghĩa xóm và không phân biệt sang hèn giàu nghèo trên mâm cơm, bàn tiệc nơi đây. Theo tập quán đã hình thành từ lâu ở đây, hễ ai có mặt tại chỗ thì xin mời tham dự cuộc vui, bởi vì họ cho rằng chim trời cá nước ở giữa đồng hoang là một thứ “lộc trời” chung chứ không phải của riêng ai.2
Có thể nói văn hóa ẩm thực của người Việt ở ĐBSCL là kết quả của quá trình thích ứng với thiên nhiên, tạo dựng nét riêng mình trên cơ sở hài hòa với thiên nhiên, con người xung quanh.3
Tóm lại, trong điều kiện môi sinh, thổ nhưỡng mới, những lưu dân mở đất đã dần thích ứng với hoàn cảnh và điều kiện sinh hoạt. Quá trình chuyển đổi và thích ứng môi trường đó đã dần hình thành và phát triển ở người di dân những lối sống, sắc thái văn hóa mang tính tiêu biểu địa phương, trong đó có văn hóa ẩm thực.4
Những Đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long
Các món đặc sản đồng bằng sông Cửu Long chịu nhiều ảnh hưởng của nền ẩm thực các nước, tuy nhiên vẫn mang những nát đặc sắc rất Việt Nam, rất dân dã.
Tới đồng bằng sông Cửu Long, các bạn sẽ được nếm thử các món dân gian ưa thích của một vùng sông nước. Mỗi món lại để lại hương vị riêng trong lòng mỗi du khách.
Ẩm thực miền Nam nói chung hay đặc sản của vùng đồng bằng Sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nhiều của ẩm thực Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, có đặc điểm là thường cho thêm đường và hay sử dụng sữa dừa (nước cốt và nước dão của dừa). Nền ẩm thực này cũng sản sinh ra vô số loại mắm khô (như mắm cá sặc, mắm bò hóc, mắm ba khía v.v.). Ẩm thực miền Nam cũng dùng nhiều đồ hải sản nước mặn và nước lợ hơn miền Bắc (các loại cá, tôm, cua, ốc biển), và rất đặc biệt với những món ăn dân dã, đặc thù của một thời đi mở cõi, hiện nay nhiều khi đã trở thành đặc sản: chuột đồng khìa nước dừa, dơi quạ hấp chao, rắn hổ đất nấu cháo đậu xanh, đuông dừa, đuông đất hoặc đuông chà là, vọp chong, cá lóc nướng trui v.v.
Miền đồng bằng sông Cửu Long hay còn gọi là Miền Tây gồm khoảng 13 tỉnh. Khi đi đến khu du lịch đồng bằng Sông Cửu Long – Hay còn gọi là du lịch Miền Tây các bạn nếu bỏ qua thưởng thức ẩm thực đặc sản của vùng miền này thì quả thật đã quá thiệt thòi.
Long An: Có đặc sản là Lạp xưởng Cần Giuộc, Nấm mối
Tiền Giang: Có mắm tôm chà, mắm tôm chua kim sa, tinh dầu bưởi Long Thuận, khô cá bông lau, mắm còng lột, mứt sơ ri Gò Công, mắm ruốc.
Bến Tre: đặc biệt các sản phẩm về dừa như kẹo dừa, rượu dừa, mứt dừa, dầu dừa nguyên chất, mặt nạ dừa, mỹ nghệ dừa, bánh phồng Sơn Đốc, bánh tráng sữa…
Vĩnh Long nổi tiếng với bưởi năm roi, mứt cà chua, bánh tráng nem Cù Lao Mây, mứt vỏ bưởi, mứt mận, tương hột phước khang.
Đồng Tháp, với rượu sen, mứt chuối phồng, nem Lai Vang, mứt Thanh Long, tim sen, hạt sen,…
Cần Thơ thì có rượu mận Sáu Tía, chơm cháy Chà Bông, rau chột choại, cải xá bấu, dưa hấu thỏi vàng, lá cách.
Sóc Trăng có bánh pía, bánh phồng tôm, bánh in,
Trà Vinh thì có chuối quả tạ, bánh tét Trà Cuôn, nước mắm rươi Trà Vinh, dừa sáp, trái quách, rượu Xuân Thạch, mứt bần,…
An Giang có khô nhái, khô rắn, mắm Châu Đốc, gạo đỏ Tân Châu, lá sầu đâu, đường thốt lốt
Bạc Liêu có Rượu nhãn, gạo một bụi đỏ.
Kiên giang thì rượu sim, tiêu Phú Quốc, muối tiêu Phú Quốc, mắm ruốc, hạt bàng vuông, nước mắm Phú Quốc,…
Đây là những đặc sản của các vùng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long là những món ẩm thực rất đặc trưng và ngon, quý khách cũng có thể mua những sản phẩm tươi sống đó và đem về làm qùa mà đảm bảo rằng người thân rất thích.