Em đã từng gặp ông Tiên trong những truyện cổ dân gian, hãy miêu tả lại hình ảnh ông tiên theo trí tưởng tượng của mình.

Dàn ý

1. Mở bài:

– Trong các truyện cổ tích, nhân vật ông tiên để lại cho em ấn tượng sâu đậm nhất. Tại sao?

– Dẫn dắt người đọc và tình huống em gặp ông tiên (trong giấc mơ – tưởng tượng).

Tham khảo: Kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam có rất nhiều nhân vật quen thuộc, gần gũi nhưng có lẽ hình ảnh ông tiên đã để lại cho em những ấn tượng sâu sắc khó quên nhất. Chính vì thế, nên một hôm, đang thiu thiu nghe bà kể chuyện “Ngày xửa ngày xưa…”, em thiếp đi lúc nào không hay. Và, thật tuyệt vời, trong giấc mơ em được gặp…ông tiên trong câu chuyện “Cây tre trăm đốt”.

2. Thân bài: Viết thành từng đoạn (miêu tả kết hợp so sánh, biểu cảm).

Đoạn 1: Miêu tả chân dung (ngoại hình) nhân vật ông tiên:

Xuất hiện…

Hình dáng (Khuôn mặt; Chòm râu; mái tóc, ánh mắt…)

Giọng nói; Nụ cười…

Trang phục…

Tay thường cầm cây gậy (cây phất trần).

Nhìn ông tiên, em liên tưởng đến ai? (ông yêu quý của em ở nhà).

Đoạn 2: miêu tả hoạt động của ông tiên.

Điệu bộ cử chỉ: từ tốn, nhẹ nhàng,…

Việc làm (em cùng ông tiên đi giúp anh Khoai – nhân vật trong câu chuyện và người bất hạnh khó khăn khác…):

+ Giúp trẻ mồ côi, những người nghèo bị thiên tai lũ lụt…

+ Cứu người khỏi bệnh…

Những lời đối thoại của em với ông tiên…

Đoạn 3: Kỉ niệm:

Chia tay với ông tiên, trên đường về em bị lạc, ông tiên lại xuất hiện và cho em một chiếc xe ngựa thông minh, thế là em được về nhà,…)..

Xem thêm:  Cảm nghĩ về nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

3. Kết bài:

Giật mình tỉnh giấc.

Ý nghĩa của nhân vật ông tiên trong truyện và trong suy nghĩ của em.

Nêu lời hứa hoặc ước mong của bản thân mình.

Tham khảo: Đang mơ màng bỗng giật mình khi nghe tiếng mẹ gọi. Ồ, thì ra chỉ là một giấc chiêm bao. Giấc mơ đẹp ấy đã cho em cảm nhận nhiều điều. Ông tiên chính là hình ảnh của cuộc sống “Ở hiền gặp lành”. Em tự nhủ với lòng mình là sẽ học thật giỏi để mai này lớn lên trở thành một người có thể giúp đỡ những số phận khó khăn, bất hạnh.

Bài tham khảo

Kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam có rất nhiều nhân vật quen thuộc, gần gũi nhưng có lẽ hình ảnh ông tiên đã để lại cho em những ấn tượng sâu sắc khó quên nhất. Chính vì thế, nên một hôm, đang thiu thiu nghe bà kể chuyện “Ngày xửa ngày xưa…”, em thiếp đi lúc nào không hay. Và, thật tuyệt vời, trong giấc mơ em được gặp…ông tiên trong câu chuyện “Cây tre trăm đốt”.

Loading…

Trong giấc mơ, em thấy anh trai cày đang chạy vội vào rừng, tìm chặt cây tre trăm đốt để được cưới cô con gái bá hộ. Tìm mãi không thấy mới biết lão bá hộ lừa mình, anh oà khóc nức nở. Bỗng lúc đó, một làn khói trắng toả ra che lấp cả mặt trời chói chang. Đằng xa, một ông bụt đầu tóc bạc phơ bắt đầu hiện ra. Ông có khuôn mặt hình chữ điền trông rất hiền lành và vầng trán cao chứa đầy những nếp nhăn hằn sâu đến lạ. Phía sau khoé mắt hình chân chim là đôi mắt to tròn, luôn ánh lên một cái nhìn nhân hậu. Nằm cân đối giữa hai gò má đồi mồi đã nhăn nhúm đi nhiều là một chiếc mũi cao cao nhưng ửng đỏ như người say rượu. Hàm răng của ông đều như hạt bắp, nằm ẩn sau đôi môi đầy đặn, hồng hào. Nhưng điều khiến ông trông thật gần gũi là hàm râu dài đến ngực và cũng trắng trẻo một mầu. Tất cả tạo cho ông một cái nhìn tuy đơn sơ như những cụ già Việt Nam nhưng lại là người giàu lòng nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ những ai gặp khó khăn, nguy hiểm. Ông khoác trên mình một chiếc áo trắng tinh luôn óng ánh dưới những tia nắng mặt trời và được tô điểm bằng những hình vẻ lân, phụng. Tay ông dài dài, nếp da đã nhăn nheo, cằn cỗi lại lấm tấm đồi mồi, lúc nào cũng phe phẩy cây phất trần trắng xoá như mái tóc cuả mình. Chân ông cao cao, khiến ông đã già nhưng bước đi vẫn còn nhanh nhẹn.

Thấy anh trai cày ngồi khóc, ông bước đến cất một tiếng cười lớn. Tiếng cười lan rộng và xa đến mọi ngóc ngách của khu rừng. Rồi với ánh nhìn cảm thông, giọng nói trầm ấm,nhẹ nhàng, ông hỏi: “Tại sao con khóc?”. Anh trai cày mếu máo kể lại hết mọi việc cho ông tiên nghe. Sau một hồi trầm ngâm nghĩ ngợi, ông bảo anh trai cày đem một trăm đốt tre về và xếp thành một hàng dài. Thế rồi ông bắt đầu làm phép. Ông phất qua lại cây phất trần, mỗt lần là một làn gió mạnh bắt đầu thổi đến, cuốn phăng tất cả những lá cây rơi rụng trên đường. Thế rồi sau đó, ông hô: “Khắc nhập. Khắc nhập”. Tiếng hô thật ôn tồn mà nghe đầy quyền năng. Thật kì lạ, những đốt tre bắt đầu bị hút vào với nhau tạo thành một “Cây tre trăn đốt”. Một lần nữa, ông lại cất tiếng cười vang vọng cả núi rừng. Anh trai cày chưa kịp cảm ơn thì ông tiên đã hoá phép biến ra một làn khói trắng rồi biến mất.

Sau đó, em lại thấy ông tiên bất ngờ đến bên em và bảo đi cùng ông giúp đỡ những người khó khăn bất hạnh. Em vô cùng sung sướng khi thấy mình đang bay lơ lửng trên không trung, dưới chân là những đám mây ngũ sắc bồng bềnh. Ông cùng em bay xuống bên cạnh một chú bé đang ngồi buồn thiu. Sau khi biết hoàn cảnh mồ côi cha mẹ, muốn đi học lại không có tiền, ông liền hóa phép biến ra sách vở và một ít tiền để giúp chú bé. Thật vui khi nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc của chú bé đáng thương. Với cây phất trần, ông hóa phép giúp rất nhiều người. Nhưng ông chỉ giúp những ai thật sự bất hạnh mà sống tốt hiền lành. Và, không hiểu sao khi đem niềm vui và hạnh phúc đến cho người khác mình lại có cảm giác hạnh phúc vui tươi như thế.

Đang mơ màng bỗng giật mình khi nghe tiếng mẹ gọi. Ồ, thì ra chỉ là một giấc chiêm bao. Giấc mơ đẹp ấy đã cho em cảm nhận nhiều điều. Ông tiên chính là hình ảnh của cuộc sống “Ở hiền gặp lành”. Em tự nhủ với lòng mình là sẽ học thật giỏi để mai này lớn lên trở thành một người có thể giúp đỡ những số phận khó khăn, bất hạnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *