Biểu cảm về bữa cơm gia đình

Gợi ý

Mâm cơm nhà ai có mùi dưa nấu cá
Có diếp rau thơm phi hành thái nhỏ
Ôi mâm cơm nóng xốt gia đình
Em vẫn thường mơ giữa những bước trường chinh

(Chử Văn Long)

Bữa cơm gia đình, nơi ấp ủ lòng khát khao, ước ao của người xa xứ. Chả thế mà khi làm việc giữa thảo nguyên bao la và hoang vu trong những ngày lao động hợp tác ở Nga, trong cái rét cắt da cắt thịt và cái Tết đầu tiên xa xứ, con người Hà Nội, khi nghĩ đến bữa cơm gia đình đã thốt lên:

Ôi cái Tết đầu tiên xa nước
Nhớ khôn nguôi vòng bánh chưng xanh
Bên mẹ cha, bên anh em bè bạn
Tối giao thừa tất cả vây quanh….

Đủ biết bữa cơm gia đình có sức lay động tâm hồn của người dân Việt đến mức nào!

Khi cuộc sống còn khó khăn thì bữa cơm gia đình là nơi tụ hội của lòng thông cảm, nhường nhau một chút, miếng ngon nhớ lâu và cả những bữa ăn đạm bạc nhưng chan chứa bao tình cảm của lòng nhân ái:

Đêm năm canh nằm nhớ cô đạnh
Má với cằm biết thủa nào nguôi

Thực ra thì họ đã thi vị hoá cuộc sống bần hàn bằng sự nhớ nhung của bữa cơm đạm bạc gia đình. Nhưng điều đó sẽ đáng yêu biết bao khi chỉ có bát canh độ (canh đậu) khi dùng phép nói lái, trở thành (cô đạnh)- hình ảnh đáng yêu của người con gái. Mắm với cà – má với cằm đi bên cạnh chữ biết thủa nào nguôi, cho ta liên tưởng tới má với cằm của người con gái và cảm giác âu yếm qua bữa ăn gia đình làm ta nhớ mãi khôn nguôi! 

Bữa cơm gia đình là niềm ao ước của người xa nhà, xa xứ. Nó thúc đẩy người ta ruổi mạnh bước chân khi sắp về đến nhà, mong gặp gỡ sum họp gia đình. Là sự tưởng tượng những điều hạnh phúc nhỏ nhoi khi cuộc đời cô quạnh. Bữa cơm gia đình trong dân tộc Việt Nam là nét đẹp văn hoá cội nguồn – nơi thao thức ước ao trong mỗi con người. Dẫu có chuyện cười ra nước mắt của cô dâu ngồi đầu nồi chỉ biết đơm cơm cho mọi người….Nhưng đó chỉ là chuyện vui ban đầu cho một cuộc sống mới, bởi vì quanh mâm cơm là mọi câu chuyện tâm sự,chuyện vụ mùa, chuyện hàng xóm, là cảnh những người thân gắp mời nhau…làm cho không khí gia đình ấm cúng, làm cho người ta xích lại gần nhau, thương yêu nhau hơn. Tục ngữ có câu “Trời đánh, tránh bữa ăn”, nên quanh mâm cơm người ta ít nêu điều khúc mắc.

Bữa cơm gia đình, là nét đẹp văn hoá của người dân Việt, làm ta ấm lòng hơn khi đi xa nhớ về và vui vẻ hơn khi được quây quần. Nét đẹp đó là điều tự hào của người dân Việt, nét đẹp qua ẩm thực đó của người dân ta không trộn lẫn vào đâu được, nó lắng đọng cảm xúc trong mỗi con người. Chẳng thế mà đi theo nó có rất nhiều câu ca phụ trợ.

Trong bữa cơm gia đình, cũng như trong giao tiếp, con người phải ý tứ:

Ăn trông nồi, ngồi trông hướng

Lời chào cao hơn mâm cỗ

Bởi vì: Miếng ăn quá khẩu thành tàn.

Trong bữa ăn các cụ ta xưa đã biết, nhai kỹ làm chuyển hoá thức ăn có tác dụng tốt cho việc tiêu hoá, nên dặn:

Nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa

Bữa cơm gia đình là sự gắn bó tình cảm, nhưng cũng thích hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình. Chính vì vậy phải cẩn trọng khi ăn những bữa cơm mời, bởi vì đôi khi “được một bữa cơm người, mất mười bữa cơm nhà”.

Người ta cũng thi vị hoá tình cảm vợ chồng nghèo qua các bữa cơm gia đình:

Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon

Chỉ một bát canh ruột bầu mà chồng chan vợ húp, lại còn cả động tác gật gù, làm nên một không gian ẩm thực sống động. Đó là bức tranh hạnh phúc gia đình nông dân phỏng qua nét cách điệu của ca dao.

Bữa cơm gia đình tuy giản đơn và bình dị, nhưng chung quanh nó là cả một kho tàng văn hoá dân gian như không bao giờ cạn,  đánh thức trong mỗi chúng ta luôn hướng về nơi cội nguồn xa thẳm…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *