Cảm nghĩ về quê hương của em
Hướng dẫn
Mảnh đất nơi đây cằn cỗi, thời tiết thì nóng bực hoặc lạnh thì lạnh tím da tím thịt. Nhưng không vì thế mà tôi chán ghét mảnh đất nơi đây, ngược lại tôi yêu mảnh đất này vô cùng.
Yêu mảnh đất này là vì nơi đây sinh ra tôi, nuôi tôi khôn lớn bằng những thứ dân giả thường có. Hơi thở, cuộc sống nơi đây nuôi tôi khôn lớn. Tôi có cái ăn là nhờ những cây lúa được trồng chốn này, cái cái học cũng là nhờ những cánh đồng lúa đó vì ba mẹ tôi làm nông để sinh sống và nuôi hai anh em chúng tôi.
Quê tôi dạy cho tôi cách làm người lương thiện, cách nhẫn nại của một con người. Người dân quê tôi họ có ý chí, có ‘sức chịu đựng’ trước những khó khăn thiên nhiên gây ra cho họ.
Họ chỉ biết sống và làm việc; không sân si, toan tính điều gì. Họ sống với cái tâm thánh thiện của mình. Họ không cố chạy những lợi nhuận lớn trước mắt mà bỏ mặc cái ông cha truyền dạy. Có người vẫn theo làm thợ mộc mặc dù phải kì công, tỉ mỉ từng li từng tí; có gia đình từ đời ông bà đến đời con, cháu họ vẫn theo nghề dệt nón;…
Những thảm họa của thiên nhiên không làm họ nhụt chí. Họ vẫn ở đó, vẫn làm việc, vẫn gồng mình chống lại các thiên tai, bão lụt.
Người dân quê tôi sống một cuộc sống rất mực tình cảm. Họ luôn quan tâm nhau giữa gia đình, làng xóm láng giềng với nhau. Khó khăn của một gia đình cũng như khó khăn chung của một tập thể vì thế họ luôn giúp đỡ nhau trong đời sống, công việc.
Tôi yêu những con người ở đây cần cù, siêng năng; chịu thương, chịu khó!
Tôi luôn quan niệm rằng: con người thay đổi quê hương chứ quê hương không thay đổi một con người. Vì thế những khó khăn ở quê tôi không làm chúng tôi(những người con, người cháu được sinh ra trên mảnh đất này) cảm thấy bị bất tài trước hoàn cảnh
Là một người con ở quê hương này tôi đã và đang cố gắng học thật chăm ngoan vì biết đâu chính tôi có thể góp một phần vào sự phát triển của quê hương. Như nhà thơ Đỗ Trung Quân từng nói:
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi!
Tôi yêu quê hương tôi!
CẢM NGHĨ VỀ MỘT CẢNH ĐẸP QUÊ EM: CẢNH VẬT NÚI BÀ ĐEN – TÂY NINH
Người ta bảo núi Bà Đen là một thắng cảnh của miền sơn cước Tây Ninh, thật không phải là quá đáng!
Những buổi bình minh, mặt trời còn bẽn lẽn núp sau sườn núi, phong cảnh nhuộm những màu sắc đẹp lạ lùng. Hòn núi tù màu xám xịt đổi ra màu tím sẫm; từ màu tím sẫm đổi ra màu hồng; rồi từ màu hồng lần lần đổi ra màu vàng nhạt. Cho đến lúc mặt trời chễm chệ ngự trị trên chòm mây, ngọn núi mới trở lại màu xanh biếc thường ngày của nó.
Ngoài cảnh rừng sâu và núi cao, núi Bà Đen còn chứa bao nhiêu là kì quan và di tích; nào gót chân Phật trên thạch bàn; nào suối vàng, hang gió; nào điện cổ kính, uy nghi. Đâu đâu củng có thơ đề, phú vịnh của khách thập phương vãng lai.
Nhưng phần đông khách thập phương đến viếng núi là vì họ kính phục uy linh của đức Bà Đen. Tục truyền, ngày xưa, khi chúa Nguyễn ánh còn bôn ba vì Tây Sơn đánh đuổi, một hôm phải dừng chân lánh nạn trên núi. Đức Bà hiển linh cho chúa nằm mộng, chỉ con đường cho chúa thoát thân. Vì nhớ ơn ấy, sau khi thành công, chúa liền sắc phong cho Bà là “Linh Sơn thánh mẫu”.
Chung quanh một danh lam thắng cảnh, người ta thường thêu dệt những chuyện huyền bí để cho người đời sau thêm phần kính phục.