Về Nguyễn Đình Chiểu

– Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai.

– Quê quán: sinh tại quê mẹ – làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh).

– Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho.

– Năm 1843 ông đỗ tú tài tại trường thi Gia Định.

– Năm 1846 ông ra Huế chuẩn bị thi tiếp tại quê cha nhưng nhận được tin mẹ mất phải bỏ thi trở về Nam chịu tang (1849). Dọc đường về ông bị đau mắt nặng rồi bị mù. Không khuất phục trước số phận, Nguyễn Đình Chiểu về Gia Định mở trường dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho dân và tiếng thơ bắt đầu vang khắp lục tỉnh.

– Giặp Pháp đánh vào Gia Định (1859), ông đã đứng vững trên tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, cùng nhiều lãnh tụ bàn mưu tính kế đánh giặc và những vần thơ cháy bỏng căm hờn, sục sôi ý chí chiến đấu.

  1. Những tác phẩm chính
  • Ở giai đoạn đầu, ông viết hai truyện thơ dài là: T ruyện Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu.
  • Giai đoạn sau, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là lá cờ đầu của văn thơ yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỉ XIX với nhiều tác phẩm xuất sắc cả về nội dung và nghệ thuật: Chạy giặc, Thư gửi cho em, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Ngư tiều vấn đáp y thuật…
  1. Nội dung thơ văn
  • Lí tưởng đạo đức, nhân nghĩa: Truyện Lục Vân Tiên được viết nhằm mục đích truyền dạy những bài học về đạo lý làm người chân chính.
  • Lòng yêu nước thương dân: Khi cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp nổ ra, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác những tác phẩm đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến đấu giữ nước buổi ấy.
  1. Nghệ thuật thơ văn

– Vẻ đẹp thơ văn Nguyễn Đình Chiểu ẩn trong tầng sâu của cảm xúc, suy ngẫm.

– Bút pháp trữ tình xuất phát từ cõi tâm trong sáng, nhiệt thành và đầy tình yêu thương con người.

– Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đậm đà sắc thái Nam Bộ.

– Lối thơ thiên về kể trong các truyện của ông cũng mang màu sắc diễn xướng rất phổ biến trong văn học dân gian Nam Bộ.

Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương trong sáng, cao đẹp về nhân cách, nghị lực và ý chí về lòng yêu nước, thương dân và thái độ kiên trung, bất khuất trước kẻ thù. Thơ văn ông là một bài ca đạo đức, nhân nghĩa, là tiếng nói yêu nước cất lên từ cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, là thành tựu nghệ thuật xuất sắc mang đậm sắc thái Nam Bộ.

Sắc thái nam bộ trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu

Nhận định về văn chương Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Văn Đồng viết: “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng”. Đúng là văn chương Nguyễn Đình Chiểu mang vẻ đẹp nghệ thuật bình dị mà độc đáo như “vì sao có ánh sáng khác thường”, “phải chăm chú nhìn thì mới thấy”. Làm nên vẻ đẹp nghệ thuật đó, phải kể đến chất Nam Bộ trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Chất Nam Bộ bình dị mà độc đáo nhuần thâm vào mọi yếu tố nghệ thuật, từ ngôn ngữ đến hình tượng, từ cảnh vật đến con người…

Về ngôn ngữ, cách diễn đạt, nói năng của các nhân vật rất gần gũi, quen thuộc với người dân Nam Bộ. Hay chính ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày, chính lời ăn tiếng nói của người dân Nam Bộ đã đi vào thơ văn Nguyễn Đình Chiểu một cách hết sức tự nhiên, nhuần nhụy: Dù đui mà khỏi danh nhơ – Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình (Ông Ngư, ông Tiều hỏi đáp về thuật chữa bệnh); Tôi xin ra sức anh hào – Cứu người ra khỏi lao đao buổi này (Truyện Lục Vân Tiên). Lối kể chuyện trong các truyện thơ của ông rất gần với chuyện dân gian, mang màu sắc diễn xướng rất phổ biến trong văn học dân gian Nam Bộ.Về nhân vật, tính cách Nam Bộ đậm nét trong các nhân vật như Vân Tiên, Tử Trực, Hớn Minh: chất phác, bộc trực, nhiều khi đến nóng nảy nhưng chí nghĩa, chí tình, thủy chung, kiên định mà bao dung, phóng khoáng. Lẽ ghét – thương của ông Quán, thái độ đối với kẻ thù của người nông dân nghĩa sĩ cần Giuộc cũng mang đậm chất Nam Bộ, thật phân minh, rạch ròi, rất mạnh mẽ, quyết liệt: Ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ; Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm.