Mục Lục Bài Viết
Đề bài: Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên.
Bài làm
Đọc Truyền kì mạn lục của nhà văn Nguyễn Dữ, chúng ta được tiếp cận một áng thiên cổ kỳ bút của nền văn học Việt Nam. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là một tác phẩm tiêu biểu trong đó. Truyện đề cao nhân vật Ngô Tử Văn, một nhân vật có nhiều tính cách đẹp rất đáng ngưỡng mộ. Cho dù câu chuyện có mang yếu tố thần thoại, bao gồm các nhân vật bằng xương bằng thịt và cả nhân vật là hồn ma, thần thánh thì nhân vật chính Ngô Tử văn vẫn điển hình, tiêu biểu cho chính nghĩa. Hồn ma viên tướng giặc đại diện cho cái ác cuối cùng cũng phải bị tiêu diệt.
Ngô Tử Văn vốn là người huyện Yên Dũng, Lạng Giang. Ông có tính tình khảng khái, nóng nảy, luôn bất bình với sự gian tà. Trước cái xấu xa, gian tà, ông thường phản kháng quyết liệt. Trong làng bấy giờ có một ngôi đền thiêng. Cuối đời nhà Hồ, quân Ngô cậy đông và mạnh sang tàn phá, cướp bóc dân làng. Nhân dân ta đã anh dũng chống trả, tướng giặc bị bại trận chết ở đó rồi làm yêu quái trú ngụ vào ngôi đền thiêng ấy, ngày đêm quấy nhiễu dân làng. Chi tiết câu chuyện bộc lộ bản chất đầy xấu xa của viên tướng giặc, chết đi rồi vẫn không từ bỏ dã tâm độc ác đối với dân làng. Việc hồn tên tướng giặc lấy ngôi đền thiêng làm nơi trú ngụ cũng là thể hiện sự gian xảo của hắn, bởi xưa nay không ai dám đụng đến đền, càng không ai dám đốt đền. Trong dân gian, chuyện đốt đền là một chuyện tày đình. Điều ấy không chỉ lan truyền trong dân gian mà còn được chứng thực trong cuộc sống. Chúng ta thường nghe người ta nói về những kẻ gây họa lớn cho cộng đồng là kẻ đốt đền. Chính hồn ma viên tướng giặc đã lợi dụng điều đó để trú ngụ tại đền hòng dễ bề quấy nhiễu nhân dân.
Nhưng Tử văn, một con người luôn bất bình trước cái xấu, cái ác, không cho phép hắn được tiếp tục gây họa cho dân lành. Tử Văn đã làm một điều mà người đời cấm kị, đó là đốt đền. Đây là một chi tiết đầy ý nghĩa của câu chuyện. Đó không phải là một hành động liều lĩnh của Tử văn, nó là một hành động vô cùng dũng cảm. Tử văn quá tức giận nên đã làm điều ấy. Hành động này của Tử văn là hành động xưa nay không ai dám làm. Hành động ấy chỉ có một không hai, chỉ có Tử văn, người không biết sự là gì, không bao giờ chịu khuất phục một ai hay một thế lực nào mới dám hành động như vậy. Chúng ta cũng không tìm thấy một chút đắn đo nào trước khi đốt đền, quyết là làm, đúng với khí phách hiên ngang của Tử Văn. Hành động ấy của Tử văn đã khiến cho hồn ma tên tướng giặc mất nơi nương náu nên hắn trở nên điên cuồng và đã hiện về trong mơ đe dọa Tử Văn. Hành động đốt đền của Tử văn đã chứng minh một điều, vì sự bình yên của dân làng, ông sẵn sàng làm tất cả, kể cả việc đốt đền, một việc ngoài sự tưởng tưởng của mọi người.
Hành động nghĩa khí của Tử văn đã cảm kích đến cả các vị thần linh. Trong cuộc đấu tranh vì chính nghĩa, ông đã được sự trợ giúp của các vị thần linh ấy.
Đến đêm, Tử Văn bị quỷ sứ bắt đi. Trên đường đi, trải qua bao nhiêu điều kinh dị, hãi hùng, bằng lí lẽ đanh thép đầy sức thuyết phục, bằng sự gan dạ phi thường, ông cứng cỏi vượt qua mọi áp lực, cản trở, làm rõ trắng đen. Tên tướng giặc cuối cùng đã bị Diêm Vương xử tội, Tử văn được minh oan và trở về. Thổ Công cảm kích mời Tử Văn nhận chức phán sự đền Tản Viên.
Trải qua hành trình đòi lại sự bình yên cho dân làng, Tử văn đã có những hành động vô cùng dũng cảm, thể hiện một tâm hồn gắn bó với quê hương, với dân làng và thể một tính cách khảng khái, quyết liệt, quyết diệt trừ tận gốc cái xấu, cái ác để bảo vệ chính nghĩa.
Câu chuyện đã đề cao nhân vật Ngô Tử văn – đại diện cho tầng lớp trí thức nước Việt giàu tinh thần dân tộc, chuộng chính nghĩa, dũng cảm, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác trừ hại cho dân. Truyện còn khẳng định niềm tin vào công lí, vào chính nghĩa bao giờ cũng thắng cái độc ác, gian tà.